Người Nga đã ăn món trứng cá tầm từ thế kỷ XII, còn người châu Âu đã vứt bỏ trứng cá cho đến tận thế kỷ XVII. Bởi vậy hiện nay, chúng có giá tới vài trăm USD cho một kilogram cũng là điều dễ hiểu.
Chúng ta chỉ có thể cảm thấy ghen tị với người dân Nga thế kỷ XIII. Họ có thể mua món sơn hào hải vị của vua chúa trong chợ dành cho những người bình dân. Trên bàn mời khách, trứng cá đỏ và trứng cá đen được đặt trong những chiếc thùng nhỏ và nó chỉ đắt hơn mỡ. Một trong những ngày thứ bảy của Tuần chay lớn được phép ăn trứng cá.
Trong khoảng thời gian cách đây không lâu, người ta đặc biệt đánh giá cao trứng cá đỏ, sau đó là trứng cá đen. Còn thực sự đắt và hiếm phải nói tới trứng cá măng màu hổ phách.
Chúng ta chưa chắc có thể được thưởng thức trứng cá măng, nhưng ngày nay có thể tìm thấy trứng cá đỏ và đen ở mọi nơi. Nhưng cá tầm thì nhỏ đi, còn giá của trứng cá thì lại tăng lên. Hiện nay những người có thể ăn trứng cá đỏ và đen thường xuyên là những người rất có khả năng về tài chính.
Trứng cá được chia làm 2 loại là đỏ và đen. Nhưng những người sành ăn khẳng định rằng, còn có trứng cá vàng “Golden Caviar” với màu vàng hổ phách. Món ăn sơn hào hải vị này có được từ cá chiên bạch tạng. Và không phải năm nào cũng có. Có được trứng cá vàng cũng khó như đến được vùng đất El Dorado. Với những khách hàng cao cấp cũng chỉ có được 1gam loại trứng cá này. Nhưng những người sành ăn có những ý kiến khác nhau đối với Golden caviar. Một số cho rằng, không có gì có thể so sánh được với việc thưởng thức loại trứng cá hiếm có này; một số khác lại khẳng định, so với trứng cá đỏ, loại trứng cá vàng không bằng được.
Nhưng chúng ta hãy trở lại với loại trứng cá thường hay gặp – loại đỏ và đen. Trứng cá đen có thể lấy ở cá chiên, cá tầm và cá tầm sao. Trứng cá lớn nhất là của cá chiên với màu bạc sẫm. Trứng cá tầm cũng không hoàn toàn đen, mà hơi nâu và có màu đồng sẫm. Chỉ có cá tầm sao là có trứng cá hoàn toàn đen và hạt của nó nhỏ nhất. Về giá cả thì nó đắt hơn so với trứng cá tầm và cá chiên.
Với trứng cá đỏ, thì tất cả đều ngược lại. Trứng cá càng sẫm và càng lớn thì càng rẻ. Trứng cá đỏ được lấy từ cá hồi. Trứng cá hồi chó có màu đỏ sáng ánh cam với hạt nhỏ chiếm vị trí đầu bảng. Tiếp theo là trứng cá đỏ ánh cam sáng hơn của cá hồi lưng gù. Và cuối cùng là trứng cá hồi to có màu boóc – đô. Người châu Âu rất thích loại trứng cá này, còn người Nga lại thích trứng cá hồi chó hơn.
Nhưng trứng cá không chỉ lấy từ bụng cá mà còn phải ướp muối. Theo những phương pháp chế biến, trứng cá được chia ra làm loại dạng hạt, loại ép, và loại bọc. Tất cả đều phụ thuộc vào độ tuổi và độ béo của nó. Người ta chỉ dùng dạng hạt với trứng cá đã hoàn toàn chín: những hạt trứng giống nhau, chắc và dễ dàng tách ra khỏi cái màng. Nếu như trứng chưa đạt tiêu chuẩn và không thể tách ra, thì nó sẽ được ướp muối trực tiếp trong một cái túi nhỏ – dạng bọc. Còn trứng cá ép được làm từ trứng cá chiên béo, đôi khi được trộn lẫn với trứng cá tầm.
Trứng cá đen được chia theo độ tuổi, độ đàn hồi của nó và mỗi loại có tên riêng. King Black caviar là loại trứng cá tầm đã 20 tuổi, thường được đặt trên bàn của những vị vua chúa và những nhà triệu phú. Người ta nói rằng, ca sĩ George Benson đã mất 3 triệu USD mua loại trứng cá đen chính hiệu này để mừng lễ kỷ niệm của mình. Những loại trứng cá 45 năm tuổi được gọi là Rogen Osietra, còn những loại trứng cá 85 tuổi được gọi là Caviar Imperial thì được rót ra nhẹ nhàng như vàng.
Trong những năm 60, khi các nhà hóa học đưa ra khẩu hiệu “Hãy cho nhân loại ăn thực phẩm nhân tạo”, thì món ăn này cũng được thử làm từ protein tổng hợp của dầu. Sau đó, người ta quyết định làm trứng cá từ gelatin và thậm chí là từ thịt bình thường. Sau khoảng 40 năm công nghệ phát triển, người ta đã đạt được thành công: trứng cá nhân tạo hiện nay được làm từ gan cá tuyết và thịt cá hồi cùng phẩm màu.
Tất nhiên, trứng cá nhân tạo thì rẻ hơn. Nhưng chất lượng của nó thì tương đương. Trứng cá nhân tạo phía trên được phủ sương muối, có mùi của cá, trong nước nóng nó tan ra. Để xác định “độ thật” của trứng cá có thể nhìn vào bao bì – những thông số trên bao bì phải rõ ràng.
Những người sành ăn phương Tây có thói quen chú ý tới sức khỏe của mình, tất nhiên biết được tại sao lại tồn tại sự “tôn sùng” với trứng cá. Nó không chỉ ngon, mà còn rất bổ – trong trứng cá có nhiều protein và lipid có một không hai. Lipid là nguồn gốc của những axit béo quý giá và các vitamin A, E, D cần thiết cho cơ thể.
Hiện nay, ăn trứng cá phải theo những nguyên tắc về nghệ thuật ẩm thực. Đối với những người thích loại “trứng cá ở nhà”: cho trứng vào một cái âu bằng bạc có rải xà cừ. Chiếc âu này được đặt trên một cái chân bằng pha lê có lót đá và ăn trứng cá bằng thìa bạc. Chất lượng ướp muối có thể kiểm tra bằng một quả cầu bằng bạc có sợi dây xích mỏng. Nếu như quả cầu bạc dừng lại phía trên trứng cá dù chỉ 2 – 3 giây, hoàn toàn có thể từ chối không ăn món này, quả cầu bạc phải đẩy món trứng cá như ở trong nước vậy.
Người phương Tây xem việc nhắm trứng cá với rượu vodka hay bánh sandwich gồm bánh mỳ, bơ và trứng cá của người Nga như một “trò man rợ” bởi họ cho rằng chúng không thể kết hợp với nhau. Những người sành ăn không nhai trứng cá mà chỉ nén nó lại trong miệng, giữ lưỡi trên vòm miệng và nuốt. Họ cũng thường thưởng thức trứng cá với champagne thuần chất.