THÔNG TIN HỮU ÍCH - 12/06/2019 - 799 Lượt xem

Khám phá đàn Balalaika biểu tượng văn hóa nước Nga

Nhắc đến nền nghệ thuật và văn hóa nước Nga luôn khiến người ta nghĩ đến tiếng đàn Balalaika du dương với những giai điệu ngọt ngào, đi sâu vào trong tâm hồn người dân Nga qua bao năm tháng.

Với những ai từng được trải nghiệm những giai điệu rộn ràng của cây Balalaika, họ dễ dàng bị mê hoặc, làm gợi nhớ những cảnh hùng vĩ, choáng ngợp kiêu sa, song bình dị, thân thương của làng quê Nga đầy yêu mến. Giai điệu rất Nga của Balalaika khiến người nghe phải xốn xang bồi hồi, bừng khởi khúc hưng phấn, nhảy múa cùng lá cành giữa rừng bạch dương trong ánh nắng chan hòa.

Đàn Balalaika độc đáo ngay từ hình dạng của nó, thùng hình tam giác, gồm ba phần chính. Phần thứ nhất là thân đàn gồm có mặt đàn (phần trước) và phần sau, được tạo nên bằng cách dán 6 – 7 mảnh gỗ lại với nhau. Phần thứ hai là cần đàn có các phím đàn và cuối cùng là đầu đàn – phần trên cùng của balalaika. Trên phần đầu đàn là các khóa để lên dây. Ở phần mặt đàn thường có một cái lỗ nhỏ, trên lỗ nhỏ đó thường có một màng bảo vệ. Nó có tác dụng bảo vệ mặt đàn khỏi những cú đập trong khi chơi. Ở nhiều đàn balalaika không có cái lỗ nhỏ này, chúng được thay thế bằng một bức tranh nhỏ vẽ hình hoa hay quả dại.

Đàn Balalaika chỉ có đúng 3 dây đàn. Có một số giả thuyết cho rằng điều đó tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi. Về hình dạng của cây đàn có người thì cho rằng, đàn Balalaika được một người nông dân làm ra và lấy từ hình dạng của quả bí ngô. Nếu như bạn chia quả bí ngô ra làm tư. Bạn sẽ thấy nó sẽ có hình dáng giống như chiếc đàn Balaika ngày nay. Nhưng cũng có một giả thuyết khác là : trước triều đại của Sa Hoàng Pie I, các nhạc cụ không được cho phép sử dụng tại Nga. Và vua Pie đã cho ban bố sắc lệnh phổ biến các loại nhạc cụ, tuy nhiên, tại thời điểm đó chỉ có các công nhân ở các xưởng đóng tàu là biết làm nghề mộc. Chính vì thế, hình dáng tam giác của thùng đàn Balalaika cũng giống như mặt trước của một chiếc thuyền vậy nếu như chúng ta đặt đàn theo chiều ngang.

Khoảng cuối thế kỉ 19 đàn balalaika được đưa vào dàn nhạc nhờ công của ông Vassily Vassilievich Anreye. Chính ông cũng đã soạn nhiều bài tác phẩm dân gian Nga và các giai điệu trong dàn nhạc để phù hợp với đàn Balaika.
Tiếng đàn balalaika Nga thông thường chỉ nghe thấy trong một tổ hợp hoặc là nhạc đệm cho điệu nhảy dân gian. Ngày này, dưới bàn tay điêu luyện của một số nhạc công, cây đàn biến thành nhạc cụ độc tấu tuyệt vời, với âm thanh lúc trong ngần như tiếng đàn hạc, khi ròn rã như tiếng banjo, rồi lại phảng phất nét sang trọng của giai điệu dương cầm truyền thống.

Balalaika không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần, mà còn mang trong mình cả tâm hồn Nga và đã trở thành một trong những biểu tượng của văn hóa nước Nga

Bài viết liên quan