Chỉ cách Quảng trường Đỏ và Moscow Kremlin không quá 10 km nên khi đến với thủ đô nước Nga trung tâm triển lãm Nga luôn nằm trong danh sách những lựa chọn hàng đầu của du khách.
Lịch sử hình thành
Thành phố Moscow là trung tâm văn hóa, nghệ thuật của nước Nga. Thành phố luôn không ngừng mở rộng, phát triển và ngày càng tạo thêm nhiều điểm hấp dẫn riêng. Năm 1934 cảnh sát mật của Liên Xô đã cho di chuyển toàn bộ tộc người Di gan ở vùng đầm lầy Ostankin để xây dựng một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của thủ đô. Quá trình xây dựng diễn ra trong vòng năm năm và kể từ đó đây là một trong những khu vực thu hút số lượng lớn khách du lịch Nga trên toàn thế giới. Triển lãm nông nghiệp toàn Nga, hay triển lãm thành tựu kinh tế toàn Nga và sau này là trung tâm triển lãm toàn Nga là khu triển lãm quy mô những thành tựu của nền kinh tế quốc dân.
Uớc tính trong vòng 65 năm qua cứ 8 người thì có 1 người đã tới thăm khu triển lãm này. Có khá nhiều điều bí ẩn trong lịch sử xây dựng khu triển lãm này. Một trong những câu chuyện bí ẩn đó là về kỹ sư Viacheslav Konstantinnovich Oltorzhevskii – kỹ sư đảm nhiệm chính việc xây dựng khu triển lãm. Ông đã lên kế hoạch xây dựng khu triển lãm không chỉ trở thành một trung tâm văn hóa của Liên Xô và còn là trung tâm văn hóa của toàn thế giới. Nếu nhìn vào bản thiết kế chính của trung tâm triển lãm nông nghiệp có thể thấy quảng trường Cơ khí – trung tâm của khu triển lãm, thể hiện hình ảnh của mặt trời với chín hành tinh quay xung quanh. Ở khu vực này kỹ sư Oltorzhevskii lên kế hoạch dựng tượng Lenin, tuy nhiên kế hoạch đã không thể hoàn thành.
Thời gian sau đó kỹ sư Oltorzhevskii bị điều đi Bắc Cực, kế hoạch xây dựng khu triển lãm bị thay đổi. Tại doanh trại ở Vorkut vốn là chuyên gia về xây dựng nhà cao tầng với 10 năm kinh nghiệm xây dựng tòa nhà chọc trời tại Mỹ ông đã buộc phải chấp nhận bản thiết kế các doanh trại một tầng. Ông chỉ được biết về việc khai trương khu triển lãm qua một tờ báo trong khu doanh trại.
Vài năm sau khi mở cửa khu triển lãm không ngừng mở rộng và thu hút lượng lớn khách tới thăm quan. Sau khi chiến tranh xảy ra năm 1941 khu triển lãm được trưng dụng làm nơi đặt dàn pháo cao xạ, tất cả gian trưng bày đều bị đóng cửa. Cũng chính bởi điều này mà khu triển lãm rộng 135 ha đã không phải hứng chịu bất cứ một trận dội bom nào. Cũng vào thời gian đó năm 1942 kỹ sư Oltorzhevskii được quay trở lại và trở thành cố vấn cá nhân của nhà lãnh đạo phụ trách về việc xây dựng các tòa nhà cao tầng. Khu triển lãm được mở cửa trở lại vào ngày 1 tháng 8 năm 1954.
Gây ấn tượng với khách thăm quan là cổng vòm ở lối vào chính được xây dựng lại bề thế hơn, ngạc nhiên hơn là tượng Stalin đã bị di dời đi mà thay vào đó là đài phun nước “ Đoàn kết các dân tộc”. 16 bức tượng cô gái mạ vàng là tượng trưng cho sự đoàn kết của các nước cộng hòa. Nhưng khi các nước cộng hòa chỉ còn lại 15 nước, biểu tượng này đã mất đi ý nghĩa thực tế của nó. Hai năm sau đó khu triển lãm được chuyển hoàn toàn thành triển lãm công nghiệp, và được đổi tên thành – triển lãm thành tựu kinh tế quốc gia (ВДНХ). Năm 1990 khu triển lãm đổi tên lần thứ 3 và giữ đến ngày nay – Trung tâm triển lãm toàn Nga (ВВЦ). Ngày nay khu triển lãm phản ảnh cuộc sống thực tiễn, chứ không chỉ là ước mơ trong tương lai như thời Xô Viết.
Số lượng khách tới thăm trung tâm triển lãm hàng năm vẫn không hề bị sụt giảm. Điều này giúp cho trung tâm triển lãm toàn Nga trở thành trong những điểm thu hút hàng đầu thành phố cũng như toàn nước Nga. Những buổi triển lãm và thuyết trình được cập nhật gần như hàng ngày, đem lại cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thời gian giải trí, cũng như tăng cường cơ hội tiếp cận với kiến thức mới trên toàn thế giới. Đối với người dân Matxcova trung tâm triển lãm toàn Nga là nơi dành cho cuộc hẹn đầu tiên hay những cuộc phiêu lưu lãng mạn khác. Mọi người có thể đi dạo, mua sắm, ngắm nhìn những thành tựu khoa học, kỹ thuật đến từ khắp nơi trên thế giới và hy vọng rằng những điều này giúp họ phục hồi lại năng lượng sau những ngày giờ làm việc vất vả.