Nằm trong ngõ Lavrushinsky – một khu vực dành cho khách bộ hành ở trung tâm thủ đô Nga, gần bờ sông Matxcova có một địa điểm được rất nhiều khách tới du lịch nước Nga lui tới thăm mỗi dịp đến với xứ Bạch Dương. Đó là bảo tàng tranh Tretyakov – nơi được ví như là một kho báu của nghệ thuật hội họa Nga cũng như thế giới. Mỗi năm có hàng trăm nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về ngõ phố yên tĩnh Lavrushin
Lịch sử về bảo tàng tranh Tretyakov
“Cha đẻ” của phòng tranh là một thương gia và nhà sưu tập lớn các tác phẩm hội họa – Pavel Tretyakov (1832-1898). Trước ông đã có nhiều thương gia Moskva rất muốn làm việc này. Nhưng chỉ có Tretyakov, với thẩm mỹ hội họa tinh tế và trực giác tuyệt vời đã thành công chọn lọc cho bộ sưu tập của ông những tác phẩm xuất sắc nhất. Ông mua bức tranh đầu tiên vào năm 1856, đó là tác phẩm “Lời xúi bẩy” của họa sĩ N.G.Shilder. Năm 1874, ông cho xây tòa nhà lớn để trưng bày bộ sưu tập tranh của mình và năm 1881, bảo tàng mở cửa đón khách. 11 năm sau ông tặng cả tòa nhà lẫn bộ sưu tập tranh khổng lồ của mình cho hội đồng dân biểu thành phố Mátxcơva và được phong tặng danh hiệu Công dân Danh dự của thành phố.
Đầu tháng 12/1898, trước khi mất vì căn bệnh viêm loét dạ dày ông chỉ kịp trăn trối với người thân đúng một câu: “Hãy giữ lấy bảo tàng”. Bộ sưu tập của Tretyakov chỉ gồm những tác phẩm của các họa sĩ Nga có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà – đó là ý tưởng ban đầu của ông và cho đến nay nó vẫn được tôn trọng tuyệt đối.
Ông đã có tâm niệm mà ít người có được ngày từ khi còn trẻ: “Tích cóp thật nhiều tài sản để rồi những gì nhặt được từ xã hội sẽ quay về với xã hội (với nhân dân), suy nghĩ đó trong suốt cuộc đời chưa bao giờ rời xa tôi…”. Nhưng hơn ai hết Pavel Tretyakov là nhà sưu tập bẩm sinh. Những người sống cùng thời vô cùng ngạc nhiên trước trí thông minh trời phú cũng như khiếu thẩm mỹ tinh tế của nhà kinh doanh cha truyền con nối.
Không được đi học ở trường – anh em nhà Tretyakov chỉ được học tại gia với mục đích “biết chữ để buôn bán”, nhưng nhà sưu tập tranh tương lai có phông kiến thức rất rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học, hội họa, sân khấu và âm nhạc.
Ông là bạn thân thiết với rất nhiều họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ. Ông sẵn sàng lắng nghe lời khuyên, sự tư vấn của họ nhưng trong việc chọn tranh bao giờ ông cũng quyết theo ý mình và một khi quyết định đã được đưa ra thì không bao giờ thay đổi. Ông không cho phép ai can thiệp vào công việc của mình. Họa sĩ Kramskoi, tác giả bức tranh quen thuộc với nhiều người Việt – “Người đàn bà xa lạ”, dù được Tretyakov tôn trọng và quý mến vẫn phải thừa nhận: “Tôi biết ông ấy từ lâu và cũng từ lâu đã biết chắc rằng không ai có thể tác động đến ông trong việc chọn tranh cũng như trong chính kiến của ông. Nếu có những họa sĩ từng cho rằng có thể làm lung lay ý định của ông thì sau này buộc phải từ bỏ ý nghĩ sai lầm này”.
Cùng với khiếu thẩm mỹ cao, sự nghiêm túc trong việc chọn lựa cũng như tính hào hiệp của Tretyakov đã mang lại cho ông uy tín không thể tranh cãi trong giới họa sĩ và ông được họ dành cho sự ưu ái mà không một nhà sưu tập nào có được, đó là quyền được xem sớm nhất các tác phẩm mới hoàn thành ngay tại xưởng vẽ hay tại các cuộc triển lãm trước khi công chúng được chiêm ngưỡng. Mỗi cuộc viếng thăm của Tretyakov tới xưởng vẽ của các họa sĩ là một sự kiện gây chú ý. Các họa sĩ, dù là lão làng hay mới bắt đầu sự nghiệp, đều hồi hộp chờ đợi câu nói nhỏ nhẹ mà khác biệt của ông: “Tôi đề nghị hãy coi bức tranh của ngài là của tôi”.
Các họa sĩ và nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Nga cho rằng nếu như Pavel Tretyakov không xuất hiện đúng lúc, nếu ông không có ý tưởng sưu tập tranh thì nền hội họa Nga đã có một số phận khác bây giờ – những bức tranh quý không được tập hợp và trưng bày rộng rãi cho công chúng. Nếu không có sự tài trợ của Tretyakov thì nền hội họa Nga sẽ không bước vào con đường tự do, hội nhập với thế giới bởi lẽ ông là sưu tập duy nhất ủng hộ mọi điều mới mẻ trong nền hội họa Nga. Mỗi năm bộ sưu tập tranh của ông lại được bổ sung hàng chục, có khi hàng trăm tác phẩm xuất sắc.
Tuy là một nhà buôn, nhưng ông sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền rất lớn nếu điều này là cần thiết cho bộ sưu tập. Ông mua những bức tranh ông thích, bỏ ngoài tai mọi lời chỉ trích, chê bai. Ông chọn tranh đôi khi không phải tranh phù hợp với quan điểm cá nhân mà vì ông thấy tác phẩm đáp ứng tinh thần thời đại. Ông hiểu rằng bộ sưu tập của mình không chỉ đáp ứng thị hiếu và sở thích cá nhân ông mà còn phản ánh khách quan sự phát triển của nền hội họa nước nhà. Chính vì thế, khác với các nhà sưu tập tư nhân khác, Tretyakov không bị hạn chế bởi sự hạn hẹp về thị hiếu.
Bà Ekaterina Seleznhyova, phụ trách bảo tồn chính của bảo tàng tranh Tretyakov đã cho biết: Nửa số khách thăm của chúng tôi là người nước ngoài, và tên gọi “Bảo tàng Tretyakov” đối với họ đồng nghĩa với “tất cả những gì giá trị nhất của nền nghệ thuật Nga”. Bộ sưu tầm của chúng tôi phong phú và đa dạng nên mỗi khách thăm quan đều có thể tìm thấy sự lựa chọn thú vị cho mình. Có những khách thăm đến bảo tàng để “hội ngộ” với những tiểu phẩm kiệt tác, ghi lại hình ảnh một góc phố Matxcova hay cảnh sinh hoạt.